Chi tiết tin
-
Thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ [25-07-2016]
- Trình tự thực hiện
+ Bước 1: Cá nhân có hộ khẩu thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ theo quy định, nộp tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Chi cục Văn thư - Lưu trữ thuộc Sở Nội vụ (địa chỉ Tầng 6, Tòa nhà IPC, số 1489 Đại lộ Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, Quận 7, điện thoại số 37.760.692), vào các ngày làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu (Buổi sáng: Từ 8 giờ 00 phút đến 12 giờ 00 phút; Buổi chiều: Từ 13 giờ 00 phút đến 17 giờ 00 phút) (Khoản 1, Điều 21 Nghị định số 01/2013/NĐ-CP).
+ Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Chi cục Văn thư - Lưu trữ tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ:
* Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ (Mẫu 5 Phụ lục I Thông tư số 09/2014/TT-BNV);
* Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ, thì hướng dẫn cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
+ Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ, Chi cục Văn thư - Lưu trữ trình Giám đốc Sở Nội vụ cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ cho cá nhân có đủ các điều kiện theo quy định. Trường hợp từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ thì trả lời cho cá nhân bằng văn bản.
+ Bước 4: Cá nhân căn cứ vào ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, đến bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Chi cục Văn thư - Lưu trữ thuộc Sở Nội vụ để nhận kết quả giải quyết thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ.
Nếu cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ có yêu cầu trả kết quả qua đường bưu điện, thì Chi cục Văn thư - Lưu trữ sẽ xem xét giải quyết hồ sơ và trả kết quả theo thời hạn quy định; cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ trả phí bưu điện theo quy định. Trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ, Chi cục Văn thư - Lưu trữ sẽ chuyển đến cá nhân văn bản của Sở Nội vụ thông báo lý do không cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ.
- Cách thức thực hiện: Nộp và nhận kết quả trực tiếp tại Chi cục Văn thư - Lưu trữ hoặc nhận kết quả qua đường bưu điện có trả phí (nếu có yêu cầu).
- Thành phần, số lượng hồ sơ (Điều 20 Nghị định số 01/2013/NĐ-CP và Điều 12 Thông tư số 09/2014/TT-BNV)
+ Thành phần hồ sơ
* Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (Mẫu 3 Phụ lục I Thông tư số 09/2014/TT-BNV);
* Giấy Chứng nhận kết quả kiểm tra nghiệp vụ lưu trữ;
* Giấy xác nhận thời gian làm việc từ 05 năm trở lên trong lĩnh vực lưu trữ của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân làm việc (Mẫu 6 Phụ lục I Thông tư số 09/2014/TT-BNV). Người xác nhận phải chịu trách nhiệm về sự chính xác của nội dung xác nhận;
* Bằng tốt nghiệp, chứng chỉ chuyên ngành phù hợp từng lĩnh vực hành nghề (Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu), cụ thể:
● Đối với dịch vụ nghiên cứu, tư vấn, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ lưu trữ phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành về lưu trữ. Trường hợp tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng về văn thư, lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền cấp;
● Đối với các dịch vụ bảo quản, tu bổ, khử trùng, khử axit, khử nấm mốc tài liệu lưu trữ phải có bằng tốt nghiệp chuyên ngành về lưu trữ hoặc hóa sinh;
● Đối với dịch vụ chỉnh lý tài liệu phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành về văn thư, lưu trữ. Trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng về văn thư, lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền cấp;
● Đối với dịch vụ số hóa tài liệu lưu trữ phải có bằng tốt nghiệp chuyên ngành về lưu trữ hoặc công nghệ thông tin. Trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành lưu trữ phải có chứng chỉ về công nghệ thông tin do cơ quan có thẩm quyền cấp. Trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin phải có chứng chỉ bồi dưỡng về văn thư, lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền cấp;
● Đối với dịch vụ nghiên cứu, tư vấn, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ lưu trữ phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành về lưu trữ. Trường hợp tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng về văn thư, lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền cấp.
* Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú;
* Hai ảnh 2 x 3 cm (chụp trong thời hạn không quá 6 tháng).
+ Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
- Thời hạn giải quyết
Thời hạn giải quyết là 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân có hộ khẩu thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính
Chi cục Văn thư - Lưu trữ và Sở Nội vụ Thành phố.
- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính
Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (Mẫu 2 Phụ lục I Thông tư số 09/2014/TT-BNV) hoặc văn bản từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ, có nêu rõ lý do.
- Lệ phí: Không.
- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai
+ Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (Mẫu 2 Phụ lục I Thông tư số 09/2014/TT-BNV); (Tải về mẫu văn bản tại đây)
+ Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (Mẫu 3 Phụ lục I Thông tư số 09/2014/TT-BNV); (Tải về mẫu văn bản tại đây)
+ Phiếu tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (Mẫu 5 Phụ lục I Thông tư số 09/2014/TT-BNV); (Tải về mẫu văn bản tại đây)
+ Giấy xác nhận thời gian làm việc từ 05 năm trở lên trong lĩnh vực lưu trữ của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân làm việc (Mẫu 6 Phụ lục I Thông tư số 09/2014/TT-BNV). (Tải về mẫu văn bản tại đây)
- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (Điều 37 Luật Lưu trữ)
+ Cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ khi có đủ các điều kiện sau đây:
* Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
* Có lý lịch rõ ràng;
* Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành về lưu trữ phù hợp;
* Đã trực tiếp làm lưu trữ hoặc liên quan đến lưu trữ từ 05 năm trở lên;
* Đã đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra nghiệp vụ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.
+ Cá nhân không được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ bao gồm:
* Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
* Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục;
* Người đã bị kết án về một trong các tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia; tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc hủy tài liệu bí mật công tác.
- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính
+ Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2012);
+ Nghị định số 01/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2013);
+ Thông tư số 09/2014/TT-BNV ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về quản lý Chứng chỉ hành nghề lưu trữ và hoạt động dịch vụ lưu trữ (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2014).
Lượt xem: 4298